Kiến Thức Cưới Hỏi

Cách ghi thiệp cưới khi bố mẹ đều mất

Cách ghi tên cha mẹ đã mất vào thiệp cưới như sau: ghi đầy đủ tên cha mẹ và phía dưới có thể đóng mở ngoặc “Đã mất”, “Cố phụ”, “Cố mẫu” hoặc “Song đường quá vãng”,…

Dạo gần đây, có một số tranh cãi về việc nên hay không nên ghi tên bố mẹ đã mất vào thiệp cưới. Gần đây nhất trên một báo mạng lại có câu hỏi thắc mắc, băn khoăn về vấn đề này.

Theo từ nhiều nguồn và ý kiến phản hồi từ các trang diễn đàn mở. Kênh cưới tổng hợp được một số cách xử lý trong trường hợp đó như sau:

Ghi tên cha mẹ

Hầu hết mọi người đều khuyên rằng nên ghi tên cha mẹ dù còn sống hay đã mất, vì cha mẹ là đấng sinh thành ra mình. Hành động này như một lời cảm ơn đến công ơn nuôi nấng mình nên người và có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đặc biệt, khi ghi tên cha mẹ đã mất thì người nhận được thiệp cưới sẽ hiểu được hoàn cảnh hiện tại của mình hơn, tránh có những thắc mắc, nghi vấn tại sao lại để trống hoặc tên người đại diện lại là một người khác không phải cha mẹ.

Thiệp cưới như sau: ghi đầy đủ tên cha mẹ và phía dưới có thể đóng mở ngoặc “Đã mất”, “Cố phụ”, “Cố mẫu” hoặc “Song đường quá vãng”,…

Ghi tên người đỡ đầu (Người chủ hôn)

Tục ngữ có câu “Quyền huynh thế phụ” nếu cha mất có thể ghi tên anh trai (nếu có) với đại diện là “Huynh trưởng” hoặc ngoài ra còn có câu “ Mất cha còn chú”. Do vậy, người làm chủ hôn, thay thế cho bố mẹ có thể là anh chị ruột hoặc cô, dì, chú bác trong gia đình.

Nếu chọn cách ghi này, trong thiệp mời sẽ là: Trân trọng báo tin lễ tân hôn (vu quy) của “em chúng tôi” hoặc “cháu chúng tôi”. Và khi làm lễ người chủ hôn hoặc MC sẽ phải giải thích lý do cho quan khách hiểu rõ vấn đề, để tránh tình trạng bàn tán xôn xao những lý do không hay.

Trên đây là những cách ghi thiệp cưới trong trường hợp cha mẹ đã mất được mọi người áp dụng nhiều nhất.

Nên hay không nên, đó là cách suy nghĩ tùy theo nhận định và quan niệm của mỗi cá nhân, gia đình. Nhưng theo Kênh cưới việc ghi tên cha mẹ đã mất vào thiệp cưới là một điều mà đa số người con nào cũng nên làm vì đó là nguồn gốc và cội nguồn của mình.

Bởi lẽ nếu muốn hay không thì trước sau gì cũng phải giải thích lý do tại sao cha mẹ lại không đứng ra làm chủ hôn mà lại là một người khác. Vì vậy ngay ban đầu trong thiệp cưới gửi đến người thân, bạn bè nên nêu ra sẽ tránh được những tiếng bàn tán ra vào hơn.

Hy vọng, những ý kiến trên sẽ giúp phần nào những cặp đôi đang rơi vào trường hợp khó nghĩ này sẽ có những quyết định dễ dàng và hợp tình hợp lý hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *